THUỐC CHỮA ĐAU DẠ DÀY, THUỐC CHỮA BỆNH GIUN SÁN

THUỐC CHỮA ĐAU DẠ DÀY, THUỐC CHỮA BỆNH GIUN SÁN

       
MỤC TIÊU:
1. Trình bày được tác dụng, tác dụng không mong muốn, cách sử dụng của một số thuốc chữa viêm loét dạ dày - tá tràng thường dùng
2. Trình bày được tác dụng, tác dụng không mong muốn, cách sử dụng của một số thuốc chữa bệnh giun, sán.

1.Thuốc chữa viêm loét dạ dày- tá tràng.
Bệnh loét dạ dày - tá tràng là một bệnh phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 3 - 4 % dân số. Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh mãn tính diễn biến có chu kỳ, nam giới bị nhiều hơn nữ giới. Các thuốc điều trị loét dạ dày - tá tràng nhằm mục đích:
- Giảm yếu tố gây loét: ức chế bài tiết acid clohydric và pepsin dạ dày,trung hoà acid clohydric
- Tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày: bao phủ niêm mạc dạ dày,băng bó ổ loét
- Diệt xoắn khuẩn Helico bacter pylori.
1.1. Maalox.
- Dạng thuốc: Viên nén chứa: 400mg nhôm hydroxyd
                      400mg magnesi hydroxyd
- Tác dụng: Trung hoà acid dịch vị, nâng độ pH dạ dày, giúp cho sự tái tạo của niêm mạc
         Al(0H)3+3HCl  AlCl3+3H20
         Mg(0H)2+2HCl MgCl2+2H20
- Chỉ định:
+ Viêm dạ dày.
+ Đầy bụng, chậm tiêu .
- Chống chỉ định: Suy thận nặng.
- Liều dùng: Uống 1-2 viên / lần
Uống sau khi ăn từ 30 phút đến 1 giờ hoặc lúc đau.
1.2. Cimetidin.
- Dạng thuốc: Viên nén 200 - 300 - 400mg
Viên sủi 200 - 800mg
ống tiêm 2ml / 200mg
- Tác dụng và cơ chế: Là thuốc kháng histamin H2, do đó có tác dụng giảm bài tiết acid clohydric và pepsin ở dạ dày.
- Tác dụng không mong muốn:
    + Phân lỏng, buồn nôn.
    + Chóng mặt, nhức đầu, đau cơ.
    + Liều cao, kéo dài gây thiểu năng tình dục, chứng vú to ở đàn ông, giảm bạch cầu, suy tuỷ.
- Chỉ định: loét dạ dày- tá tràng.
- Chống chỉ định:
+ Có thai.
+ Cho con bú.
+ Suy thận.
- Liều dùng:
+ Uống 200mg/lần x 3lần / ngày và 400mg trước khi ngủ. Thời gian dùng 4-8 tuần.
Liều duy trì 400mg, uống vào buổi chiều.
 + Khi có loét đang tiến triển, có chảy máu dạ dày hoặc bệnh nhân có nôn thì tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 4-8 ống /ngày. Sau 7 ngày chuyển sang đường uống.
Chú ý : Một số thuốc cùng cơ chế tác dụng như cimetidin nhưng ở các thế hệ sau  và có ưu điểm hơn cimetidin vì:
    + Liều dùng ít hơn.
    + Thời gian lành ổ loét nhanh hơn.
    + Khi ngừng thuốc, tỷ lệ tái phát ít hơn.
Một số thuốc như:
    * Ranitidin (thế hệ thứ 2)
         Tác dụng mạnh gấp 4-10 lần cimetidin.
         Viên nén hoặc viên sủi bọt 150-300mg.
         Uống 300mg/ngày, uống 1 lần vào buổi tối.
    * Famotidin (thế hệ thứ 3)
          Tác dụng mạnh gấp 30 lần cimetidin.
          Viên 20-40mg
          Uống 40mg, uống 1 lần vào buổi tối
    * Nizatidin (thế hệ mới nhất)
          Tác dụng và liều lượng tương tự như  ranitidin.
 1.3. Omeprazol:
- Dạng thuốc: Viên nang 20mg.
- Tác dụng: ức chế bài tiết acid clohydric dạ dày, tỷ lệ liền sẹo đạt tới 95% sau 8 tuần.
- Tác dụng không mong muốn:
+ Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, táo bón.
+ Nhức đầu , chóng mặt, lú lẫn.
+ Ngứa, mày đay.
- Chỉ định:
+ Loét dạ dày- tá tràng.
+ Viêm thực quản và hồi lưu dạ dày – thực quản.
- Chống chỉ định:
+ Phụ nữ có thai (nhất là 3 tháng đầu).
+ Phụ nữ cho con bú.
- Liều dùng:
Uống 20 mg / ngày, uống 1 lần  vào trước bữa ăn sáng. Uống 4-6 tuần.
1.4. Viên nghệ mật ong.
- Dạng thuốc: Viên  nén chứa bột nghệ vàng và mật ong.
- Tác dụng: Bồi dưỡng cơ thể, giúp cho ổ loét mau lành.
- Chỉ định: Đau dạ dày.
- Liều dùng: Uống 5 viên / lần trước bữa ăn x 3 lần / ngày.

2.Thuốc tẩy giun sán
2.1. Thuốc tẩy giun:
2.1.1. Pyrantel pamoat.
- Dạng thuốc:
+ Viên nén: 125 mg
+ Dịch treo: 125 mg/5ml
      - Tác dụng và cơ chế tác dụng:Thuốc ít hấp thu qua ống tiêu hoá nên tác dụng tại chỗ mạnh. Thuốc làm liệt cứng cơ giun, tác dụng tốt đối với giun đũa, giun kim (kết quả đạt 90% - 100%). Ngoài ra còn tác dụng với giun móc
- Tác dụng không mong muốn:
Thường nhẹ và thoáng qua như: nhức đầu, chóng mặt, nôn, đau bụng, đi ỉa lỏng.
- Chỉ định:
Tẩy giun kim, giun đũa, giun móc
- Chống chỉ định:
+ Phụ nữ có thai
+ Suy gan
- Liều dùng:
+ Tẩy giun đũa và giun kim: Uống 1 lần duy nhất với liều 10 mg/kg
+ Tẩy giun móc: Uống 10 mg / kg / lần. Uống 1 lần trong ngày. Dùng 2 đến 3 ngày liền.
2.1.2. Mebendazol (Vermox)
- Dạng thuốc:
+ Viên nén: 100 - 500 mg
+ Dịch treo uống: 20 mg/1ml
- Tác dụng và cơ chế tác dụng:
 Mebendazol được hấp thu rất ít qua ống tiêu hoá (90% lượng thuốc được thải trừ nguyên vẹn qua phân sau khi uống 24 giờ). Có tác dụng với giun đũa, giun kim, giun móc,giun tóc do ức chế sự hấp thu glucose ở giun làm cho giun bị thiếu năng lượng và chết dần.
 - Tác dụng không mong muốn:
+ Thường nhẹ và ít gặp như: đau bụng, ỉa lỏng, sốt, ngứa, phát ban
+ Liều cao có thể làm giảm bạch cầu trung tính có hồi phục
- Chỉ định:
Tẩy giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc.
- Chống chỉ định:
+ Phụ nữ có thai
+ Trẻ em dưới 24 tháng
- Cách dùng:
+ Người lớn và trẻ em từ 24 tháng trở lên dùng liều như nhau
Tẩy giun kim: Chỉ uống 1 lần 100 mg, sau 2 tuần có thể uống 100 mg nữa
Tẩy giun đũa, giun móc, giun tóc: uống 100 mg/lần. Ngày 2 lần (sáng và tối). Uống 3 ngày liền.
+ Có thể uống 1 liều duy nhất 500mg
-  Chú ý:
+ Phải kiêng rượu trong thời gian dùng thuốc và sau đó ít nhất 24 giờ
+ Ở trẻ em nhiễm nhiều giun thì giun đũa có thể theo miệng, mũi ra ngoài vì mebendazol có tác dụng chậm.
2.1.3. Albendazol (zentel)
- Dạng thuốc:
+ Viên nén: 200 mg
+ Dịch treo uống: 100 mg/5ml
- Tác dụng và cơ chế tác dụng: Tác dụng tốt với giun đũa, giun kim, giun lươn. Tác dụng rất tốt với giun móc, ít tác dụng với giun tóc.
- Chỉ định:
Tẩy giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn.
- Chống chỉ định:
+ Phụ nữ có thai
+ Trẻ em dưới 24 tháng
- Liều dùng:
Người lớn và trẻ em trên 24 tháng uống liều bằng nhau.
+ Tẩy giun kim, giun đũa, giun tóc, giun móc: Uống 1 liều duy nhất 400 mg
+ Tẩy giun lươn: uống 400 mg/ngày.Uống 3 ngày liền
2.2. Thuốc tẩy sán.
2.2.1. Hạt bí  đỏ (hạt bí  ngô).
Hạt bí ngô điều trị sán từ lâu đời có hiệu quả tốt.
Cách dùng :100g giã nhỏ hoà vào 50 - 60 ml nước và 50 -100g mật hoặc đường, ăn vào lúc đói, ăn hết trong 1 giờ, nằm nghỉ 3 giờ. Sau đó uống 1 liều thuốc tẩy muối rồi đi ngoài vào chậu nước ấm để tống hết sán và đầu sán ra ngoài
2.2.2. Niclosamid.
- Dạng thuốc:  Viên nén 500 mg
- Tác dụng và cơ chế tác dụng: 
    Thuốc không được hấp thu qua ống tiêu hoá. Tác dụng diệt sán dây do làm tiêu huỷ đốt sán và đầu sán, phần còn lại được thải theo phân.
- Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, nôn, đau bụng, ban đỏ, ngứa.
- Chỉ định: Tẩy sán dây
-  Chống chỉ định:
+ Mẫn cảm với thuốc
+ Không dùng cho người có thai
- Liều dùng:
    Tối hôm trước cho người bệnh ăn nhẹ, sáng sớm hôm sau (không ăn uống gì) uống thuốc với liều:
+ Người lớn và trẻ trên 7 tuổi dùng 2g
+ Từ 2 đến 7 tuổi dùng 1g
+ Trẻ dưới 24 tháng dùng 0,5g
Chia liều trên làm 2 lần, uống cách nhau 1 giờ. Sau lần thứ 2 khoảng 3 giờ uống thuốc tẩy muối để tống những đoạn sán đã chết ra ngoài.
- Chú ý:
+ Cần kiêng rượu trong ngày dùng thuốc
+ Nhịn ăn sau khi uống thuốc khoảng 3 giờ

2.2.3.  Praziquantel.
- Dạng thuốc: Viên nén 600 mg
- Tác dụng và cơ chế tác dụng: Diệt sán dây, sán lá do làm giảm hấp thu glucose của sán, làm chết ký sinh trùng do rút kiệt dự trữ glycogen làm cho sán bị tiêu huỷ và tống ra ngoài.
- Tác dụng không mong muốn: Thuốc có thể gây chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng thoáng qua. Ngoài ra có thể phát ban, ngứa.
- Chỉ định: Tẩy sán
- Chống chỉ định:
+ Không dùng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu
+ Không cho con bú trong ngày uống thuốc và sau đó 72 giờ
- Liều dùng:
Uống 20 - 40mg/kg/24giờ, chia 1 đến 3 lần
Uống sau bữa ăn, uống 1 đến 2 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More