THUỐC HỆ HÔ HẤP


THUỐC HỆ HÔ HẤP


MỤC TIÊU:
1. Trình bày được tác dụng, tác dụng không mong muốn, cách dùng một số thuốc giảm ho thường dùng.
2. Trình bày được tác dụng, tác dụng không mong muốn, cách dùng một số thuốc chữa hen phế quản thường dùng .

1. Đại cương :
Bệnh đường hô hấp là bệnh khá phổ biến. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…
Ngày nay nhiều bệnh đường hô hấp đã được điều trị có hiệu quả bằng các thuốc đặc hiệu. Bài này chỉ đề cập đến một số thuốc chữa các triệu chứng hay gặp trong bệnh đường hô hấp  như: ho, khó thở, tăng tiết dịch nhày.
2. Thuốc giảm ho - long đờm.
2.1. Thuốc giảm ho :
Ho nhiều làm cho bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ, có thể tổn thương mao quản gây chảy máu, ngất, sa trực tràng, trĩ...    Nhưng không phải cứ ho là giảm ho ngay mà dùng thuốc giảm ho khi cần thiết vì ho là một phản xạ tự vệ của cơ thể giúp tống các chất nhầy, đờm, dị vật ở đường hô hấp ra ngoài.
Nếu ho có nhiều đờm nên dùng thuốc long đờm và hướng dẫn bệnh nhân ho để khạc đờm ra ngoài.
Các thuốc giảm ho trung ương do ức chế trực tiếp trung tâm ho, đồng thời còn có tác dụng an thần. Một số thuốc gây ức chế hô hấp và gây nghiện.
2.1.1. Codein. (metyl morphin) : Là alcaloid của thuốc phiện
- Dạng thuốc:
+ Viên nén , viên bọc đường 0,01g
+ Siro 0,2% đóng chai 100ml
+Dạng viên kết hợp với các thuốc khác (kết hợp với terpin, paracetamol).
- Tác dụng: giảm ho do ức chế chọn lọc trung tâm ho. Ngoài ra, còn giảm đau, gây ngủ.
- Tác dụng không mong muốn:
+ ức chế hô hấp
+ Gây nghiện
+ Buồn nôn, táo bón.
- Chỉ định: Các chứng ho khan hay ho do phản xạ.
- Chống chỉ định:
+ Trẻ em < 1 tuổi
+ Có thai
+ Suy thận
+ Hen phế quản.
+ Suy hô hấp nặng.
- Liều dùng: người lớn uống 0,01g/ lần, uống 0,03 - 0,06g/ ngày.
- Bảo quản: Thuốc nguyên chất bảo quản theo qui chế quản lý thuốc gây nghiện. Các thành phẩm nêu ở trên bảo quản như thuốc thường.
2.1.2. Dextromethorphan:
- Nguồn gốc: tổng hợp (là dẫn xuất của morphin)
- Dạng thuốc:
+ Viên bọc đường 5 - 15 mg
+ Viên nang: 30 mg
+ Viên nén: 10 mg
+ Siro 5 mg /10 ml
- Tác dụng: giảm ho do ức chế trung tâm ho nhưng kém codein, không gây ngủ và không gây nghiện.
- Tác dụng không mong muốn: khi dùng thuốc có thể gặp:
+ Buồn nôn, táo bón
+ Chóng mặt, buồn ngủ
+ Dị ứng
+ Co thắt phế quản
- Chỉ định: dùng giảm ho.
- Chống chỉ định:
+ Suy hô hấp
+ Hen.
+ Trẻ em < 2 tuổi .
- Liều dùng: Người lớn uống 10 - 30mg / lần x 3 - 4 lần/ ngày.
2.1.3. Noscapin (narcotin)
- Nguồn gốc: Là alcaloid của thuốc phiện.
- Dạng thuốc:
+ viên nén: 20 mg
+ Viên nang: 10 mg
- Tác dụng: Giảm ho kém codein, không ức chế hô hấp và không gây nghiện. Ngoài ra, còn làm long đờm, giãn khí quản.
- Chỉ định: Các chứng ho do các nguyên nhân khác nhau
- Chống chỉ định:
+ Suy hô hấp.   
+ Hen phế quản
- Liều dùng: Người lớn uống: 15 - 30 mg/ lần x3- 4 lần/ ngày.
2.1.4. Alimemazin (theralen)
- Dạng thuốc:
+ viên 5 mg
+ Siro: lọ 125 ml - 150 ml; có 2,5 mg / 5ml.
- Tác dụng: Giảm ho nhất là những cơn ho có nguồn gốc dị ứng. Ngoài ra, còn chống dị ứng và an thần, gây ngủ.   
- Tác dụng không mong muốn:
Tăng tiết nhầy phế quản, khô miệng, táo bón, bí đái.
- Chỉ định:
+ Giảm ho (nhất là cơn ho do dị ứng)
+ Dị ứng   
+ Mất ngủ.
- Chống chỉ định:
+ Suy chức năng gan, thận
+ Nhược cơ
+ Phì đại tuyến tiền liệt.
+ Trẻ < 2 tuổi .
+ Người cho con bú.
- Liều dùng: Người lớn uống 5 - 10 mg/ lần x 1- 4 lần / ngày
2.2. Thuốc long đờm:
2.2.1. Bromhexin:
- Dạng thuốc: viên 4 mg
- Tác dụng: làm tiêu nhày, lỏng dịch tiết phế quản, dễ khạc đờm.
- Tác dụng không mong muốn :
Có thể gây buồn nôn, nôn, làm ứ đờm ở phế quản ở một số người.
- Liều dùng: Người lớn uống 4 mg/ lần x 3- 4 lần/ ngày.
2.2.2. Mucomyst ( N- acetyl cystein)
- Dạng thuốc:
+ ống 5 ml chứa 1g acetyl cystein.
+ Viên nén 100 – 200 mg
+ Gói thuốc cốm 100 – 200 mg
- Tác dụng: tiêu nhày, làm lỏng dịch tiết phế quản.
- Tác dụng không mong muốn :
+ Mẫn cảm với thuốc
+ Co thắt khí quản.
+ Buồn nôn, nôn.
- Chống chỉ định :
+ Mẫn cảm với thuốc
+ Loét dạ dày tá tràng – tá tràng .
+ Không được khí dung khi đang lên cơn hen .
- Liều dùng: người lớn uống 100 – 200 mg/lần, ngày 2 – 3 lần.
Khí dung 2,5 - 10 ml / 24 giờ chia làm 3 - 4 lần. Mỗi lần 10 - 40 phút.
3. Thuốc chữa hen phế quản
    Trong cơn hen thường gặp co thắt phế quản, thành phế quản bị phù nề gây hẹp, tăng tiết dịch trong lòng phế quản gây tắc nghẽn làm cho bệnh nhân khó thở.
    Các biểu hiện trên chủ yếu do các chất trung gian hoá học như (histamin, serotonin...) được giải phóng trong phản ứng kháng nguyên - kháng thể.
    Thuốc chữa hen thường làm giãn phế quản, ngăn cản sự giải phóng ra các chất trung gian hoá học trong các phản ứng dị ứng.
    Trước đây hay dùng adrenalin, ephedrin nhưng các thuốc này có nhiều tác dụng không mong muốn và gây quen thuốc nên hiện nay ít dùng.
3.1. Salbutamol.
- Dạng thuốc:
+ Viên nén: 2 -  4 mg
+ Siro 2mg/ 5ml
+ ống khí dung 20 mg
+ ống tiêm 5 ml/ 0,5 mg.
+ Thuốc đạn 1 mg.
- Tác dụng:
+ Giãn phế quản nhanh và mạnh
+ Giảm co bóp tử cung
- Tác dụng không mong muốn:
+ Đánh trống ngực do làm tim đập nhanh
+ Run rẩy nhất là các chi
+ Nhức đầu
+ Rối loạn tiêu hoá
- Chỉ định:
+ Hen phế quản
+ Doạ sẩy thai, đau dạ con sau đẻ
- Chống chỉ định:
+ Suy mạch vành cấp
+ Nhồi máu cơ tim
- Liều dùng:
+ Người lớn uống 4 mg/ lần. Ngày 3 - 4 lần
+ Khí dung 100 - 200 mcg/ lần. Dùng 4 giờ/ lần (nếu cần).
+ Tiêm bắp 0,5 mg/ lần x 4 - 6 lần / ngày.
+ Đặt thuốc đạn 1mg/ lần.
3.2. Theophylin.
- Dạng thuốc:
+ Viên 100mg, viên nén giải phóng chậm 100 – 200 – 300mg.
+ ống 4ml / 240 mg
- Tác dụng:
     Giãn cơ trơn phế quản ngoài ra còn giãn mạch vành và lợi tiểu.
- Tác dụng không mong muốn:
+ Mất ngủ do thuốc kích thích thần kinh trung ương.
+ Nhức đầu.
+ Đánh trống ngực
+ Buồn nôn, ỉa chảy.
- Chỉ định:
+ Hen phế quản
+ Các biểu hiện khó thở do co thắt khí – phế quản
- Chống chỉ định:
+ Cao huyết áp
+ Cường tuyến giáp
+ Trẻ em dưới 30 tháng (đối với trẻ em, theophylin có thể gây co giật liên tục).
- Liều dùng: Người lớn uống 0,1 - 0,2g /lần x 3 lần/ ngày, uống với nhiều nước, uống sau khi ăn .
Tiêm chậm tĩnh mạch 1 ống trong vòng 3- 4 phút để cắt cơn hen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More