VITAMIN VÀ THUỐC CHỐNG THIẾU MÁU

VITAMIN VÀ THUỐC CHỐNG THIẾU MÁU

MỤC TIÊU:
1. Trình bày được đại cương về vitamin, cách sử dụng một số vitamin: A; D; B1; B2; B6; B12; C.
2. Trình bày được đại cương về thuốc chống thiếu máu, cách dùng, tác dụng, tác dụng không mong muốn, chỉ định, chống chỉ định của sắt (II) oxalat và acid folic.

1. VITAMIN:
1.1. Đại cương về vitamin
1.1.1. Đặc điểm và vai trò của vitamin:
- Vitamin (sinh tố) là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không tự tổng hợp được, phần lớn phải đưa từ ngoài vào bằng đường ăn, uống (một số vitamin có thể được vi khuẩn ruột tổng hợp với một lượng nhỏ).
- Nhu cầu hàng ngày đối với vitamin chỉ là một lượng nhỏ nhưng nó đóng vai trò hết sức quan trọng: là những chất xúc tác không thể thiếu được cho chuyển hoá chất trong cơ thể. Nếu thiếu vitamin sẽ gây ra những rối loạn trầm trọng, sinh bệnh và thiếu kéo dài có thể chết.
1.1.2. Phân loại vitamin:
Dựa vào tính chất hoà tan, người ta chia vitamin thành 2 nhóm:
* Nhóm tan trong nước:
- Vitamin B1
- Vitamin B2
- Vitamin B6
- Vitamin B12
- Vitamin C
- Vitamin pp
* Nhóm tan trong dầu
- Vitamin A
- Vitamin D
- Vitamin K
- Vitamin E
1.1.3. Nguyên nhân gây thiếu vitamin
Các vitamin luôn có sẵn trong ngũ cốc và thực phẩm. Nếu ăn chế độ cân đối, không ăn kiêng, thực phẩm đảm bảo chất lượng, cơ thể không bị rối loạn hấp thu thì không thiếu vitamin và không cần bổ sung.
- Thiếu vitamin có thể do:
* Cung cấp không đủ: Ngũ cốc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, chế độ ăn kiêng, nghiện rượu, nhu cầu cơ thể tăng (phụ nữ có thai, cho con bú, tuổi dậy thì, sau ốm, sau mổ…)
* Rối loạn hấp thu: Một số bệnh lý làm giảm hấp thu vitamin (như suy dinh dưỡng, ỉa chảy kéo dài, viêm tụy, loét dạ dày – tá tràng…), người cao tuổi (chức năng hệ tiêu hoá giảm)…
- Nếu thiếu vitamin phải bổ sung cho đủ bằng con đường ăn, uống hoặc tiêm truyền. Thiếu vitamin thường thiếu nhiều vitamin cùng một lúc, nên cần phối hợp nhiều vitamin trong điều trị. Chú ý không dùng qúa nhiều vì nếu thừa vitamin cũng có thể gây bệnh, nhất là các vitamin tan trong dầu, và nên nhớ vitamin không phải là thuốc bổ, nó cũng có tác dụng không mong muốn.
1.2. Các vitamin thường dùng:
1.2.1. Các vitamin tan trong nước:
* Vitamin B1
- Tên khác: Thiamin
- Dạng thuốc:
+ Viên nén 0,01g và 0,1g
+ ống tiêm 0,025g/1ml
- Nguồn gốc: Vitamin B1 có nhiều trong men bia, cám, đậu tương, sữa, gan thịt, lòng đỏ trứng…Hiện nay đã tổng hợp được.
- Tác dụng:
+ Tham gia vào quá trình chuyển hoá glucid, acid amin
+ Tham gia quá trình dẫn truyền thần kinh.
Thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù (còn gọi là bệnh beri – beri) biểu hiện là: mệt mỏi, kém ăn, giảm trí nhớ, đau dây thần kinh, giảm trương lực cơ, có thể suy tim.
Nhu cầu: 2 – 3mg/ ngày.
- Tác dụng không mong muốn:
+ Tiêm bắp có thể gây phát ban, nhức đầu, rối loạn tiêu hoá, khó thở, trụy mạch có thể sốc.
+ Tiêm tĩnh mạch có thể gây sốc nặng dẫn đến tử vong.
- Chỉ định:
+ Bệnh tê phù
+ Viêm dây thần kinh, đau khớp, nhiễm độc thần kinh do rượu
+ Rối loạn tiêu hoá
+ Có thai, cho con bú
+ Mệt mỏi, kém ăn.
- Liều dùng:
Người lớn ngày uống 0,04 – 0,1g chia 2 lần
Tiêm bắp 1 – 2 ống/ 24 giờ.
- Chú ý: Không tiêm vitamin B1 vào tĩnh mạch.
* Vitamin B2:
- Tên khác: Riboflavin
- Dạng thuốc: Viên 1 – 2,5 – 10mg
- Nguồn gốc: Có nhiều trong ngũ cốc, rau quả xanh, men bia, bơ, sữa, gan, lòng đỏ trứng.
- Tác dụng: Vitamin B2 tham gia vào quá trình chuyển hoá các chất như: lipid, protid…giữ vai trò quan trọng trong việc điều hoà chức phận thị giác.
Thiếu vitamin B2 gây tổn thương da, niêm mạc (viêm lưỡi, viêm miệng, viêm da, nứt và loét ở kẽ mắt, vành tai…) rối loạn về mắt (viêm kết mạc, rối loạn nhìn lúc chiều tối, viêm giác mạc đỏ…) suy nhược (nhức đầu, chậm lớn, sút cân, rụng tóc, móng tay, móng chân dễ gãy…)
Nhu cầu: 2mg/ 24 giờ
- Chỉ định:
+ Thiếu vitamin B2
+ Rối loạn thị giác, trẻ em chậm lớn, thiếu máu, viêm loét da, niêm mạc.
- Liều dùng: Uống 5 – 10mg/ 24 giờ chia 2 lần.
* Vitamin B6
- Tên khác: Pyridoxin
- Dạng thuốc:
+ Viên nén 0,02 – 0,025g
+ ống tiêm 1ml: 0,025g
- Nguồn gốc: Có nhiều trong thịt, gan sữa, lòng đỏ trứng, men bia, rau… bị phân huỷ mất tác dụng khi nấu thức ăn ở nhiệt độ cao.
- Tác dụng: Vitamin B6 tham gia vào quá trinh chuyển hoá các chất glucid, lipid, protid, giúp sự hoạt động của hệ thần kinh, ảnh hưởng đến quá trình tạo hồng cầu.
Thiếu vitamin B6 thường ngứa, viêm da, viêm lưỡi, suy nhược thần kinh, rối loạn chuyển hoá acid amin (thường gặp ở người cao tuổi, người dùng một số thuốc như: INH…)
Nhu cầu: 1,5 – 2mg/ ngày
- Tác dụng không mong muốn: Có thể gặp sốc khi tiêm.
- Chỉ định:
+ Phòng và chữa thiếu vitamin B6: Viêm dây thần kinh, co giật ở trẻ em, suy nhược cơ thể, bệnh ngoài da (mày đay, sẩn ngứa).
+ Phòng và điều trị các rối loạn thần kinh do dùng INH,
+ Phòng và điều trị máu giảm bạch cầu do dùng nhiều sulfamid.
- Liều dùng: Uống, tiêm bắp 50 – 100mg/ ngày, chia 2 lần. Dùng 1 – 3 tháng tuỳ từng trường hợp.
* Vitamin C
- Tên khác: Acid ascorbic
- Dạng thuốc:
+ Viên nén hay bọc đường 50 – 100 – 200 – 500mg
+ Viên sủi bọt 1g
+ ống tiêm 100 – 500mg/ 5ml
- Nguồn gốc: Vitamin C có nhiều trong rau quả đặc biệt là rau quả tươi như cam, quýt, chanh, bưởi, cà chua, rau cải… Hiện nay đã tổng hợp được.
- Tác dụng:
+ Tăng sức bền thành mạch
+ Tham gia chuyển hoá glucid, acidic folic, giúp cho sự hấp thu sắt.
+ ảnh hưởng tới quá trình đông máu, tính thẩm thấu mao mạch.
+ Tăng sức đề kháng của cơ thể với nhiễm trùng, nhiễm độc
+ Giảm phản ứng dị ứng, giải độc cơ thể. Thiếu vitamin C gây bệnh scorbut (viêm lợi, chảy máu răng lợi, chảy máu dưới màng xương, dưới da…), có thể tử vong do chảy máu ồ ạt hoặc do thiếu máu cục bộ cơ tim.
- Tác dụng không mong muốn:
+ Nếu dùng liều cao trên 1g/ ngày, dùng dài ngày theo đường ăn uống gây viêm loét dạ dày- ruột, đường dẫn niệu do thuốc kích thích trực tiếp niêm mạc.
+ Phụ nữ có thai dùng liều cao dẫn đến bệnh scorbut sớm ở trẻ em.
+ Liều trên 2g/ ngày có thể gây mất ngủ, kích động tạo sỏi oxalat ở thận, tăng huyết áp.
Nhu cầu: 50 – 100mg/ ngày.
- Chỉ định
+ Phòng và chữa bệnh scorbut, chảy máu do thiếu vitamin
+ Tăng sức đề kháng cơ thể với nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
+ Mệt mỏi, thai nghén
+ Thiếu máu
+ Dị ứng
+ Nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
- Liều dùng:
+ Uống 0,2 – 0,5g/ ngày chia 2 – 3 lần
+ Tiêm bắp 0,1 – 0,5g/ ngày
- Chú ý:
+ Không nên dùng quá 1g/ 24 giờ
+ Thận trọng khi tiêm tĩnh mạch vì có thể gây sốc phản vệ.
* Vitamin B12
- Tên khác: Hydroxo cobalamin, cyanocobalamin.
- Dạng thuốc: ống tiêm 100 – 200 – 500 – 1000mcg.
- Nguồn gốc: Có nhiều trong thịt, cá, trứng, gan. Vi khuẩn ruột có thể tổng hợp được vitamin B12.
- Tác dụng: Vitamin B12 tham gia vào quá trình chuyển hoá trong cơ thể, tham gia tạo máu và tái tạo nhu mô gan. Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu ưu sắc hống cầu to (thiếu máu ác tính biermer kéo theo 1 số rối loạn thần kinh).
- Tác dụng không mong muốn:
Dị ứng (tuy hiếm gặp, nhưng đôi khi rất nặng có thể gây tử vong).
- Chỉ định:
+ Thiếu máu ưu sắc hồng cầu to.
+ Thiếu máu ác tính sau khi mổ, sinh đẻ, cắt bỏ dạ dày.
+ Viêm dây thần kinh, đau dây thần kinh.
+ Chống thoái hoá mỡ, trẻ em chậm lớn.
- Chống chỉ định:
+ Dị ứng thuốc
+ Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân
+ Ung thư đang tiến triển
+ Bệnh trứng cá.
- Liều dùng:
  + Thiếu máu: Tiêm bắp 100mcg/24 giờ.
+ Viêm dây thần kinh: Tiêm bắp 500 – 1000mcg/ lần. Cách 1 ngày dùng 1 lần.
- Chú ý: Không tiêm tĩnh mạch
1.2.2. Các vitamin tan trong dầu:
* Vitamin A
- Tên khác: Retinol
- Dạng thuốc:
+ Viên nang 5000 – 50. 000 đvqt
+ Viên nén bọc 50.000 đvqt
+ Dịch treo uống 150.000 đvqt/1ml = 30 giọt.
+ ống tiêm 100.000 – 500.000 đvqt
- Nguồn gốc: Có nhiều trong gan, bơ, lòng đỏ trứng, tổng hợp chất tiền vitamin A (caroten) có nguồn gốc từ thực vật như: gấc, cà rốt, cà chua, đu đủ…khi vào cơ thể nó được tạo thành vitamin A.
- Tác dụng: Vitamin A giúp cho sự sinh trưởng: Nó tham gia trong quá trình tạo da, niêm mạc, võng mạc, tham gia vào hoạt động của thị giác, tăng sức đề kháng cơ thể. Cùng vitamin D tham gia tạo xương. Thiếu vitamin A hay gặp tổn thương ở mắt (quáng gà, khô mắt, nhiễm khuẩn mắt, mù loà ) tổn thương da ( da khô, sừng hoá ), ỉa chảy, chán ăn, chậm lớn.
Nhu cầu: 1,5 - 2,5mg/ ngày
(1đvqt = 0,33mcg retinol kết tinh)
1đvqt = 0,344mcg R acetat).
- Tác dụng không mong muốn: Xảy ra khi thừa vitamin A
+ Dùng liều 100000đvqt/ ngày, dùng liền 10 – 15 ngày có thể ngộ độc với các dấu hiệu: ngứa, da khô tróc vẩy, đau xương, lông, tóc, móng dễ gãy, tăng áp lực nội sọ, chán ăn, buồn nôn…
+ Người có thai dùng viên 10.000đvqt/ ngày có thể gây quái thai.
- Chỉ định:
+ Bệnh khô mắt, quáng gà
+ Trẻ em chậm lớn
+ Dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp
+ Bệnh trứng cá
+ Da, tóc, móng khô.
+ Làm mau lành vết thương, vết bỏng
- Liều dùng:
+ Uống:
Người lớn 5000 – 10.000đvqt/ ngày x 1 – 2 tuần
Trẻ em: 5000 – 10.000đvqt/ ngày x 10 ngày.
+ Tiêm bắp sâu:
Người lớn 6 tháng tiêm 1 ống 100.000đvqt
Trẻ em dưới 15 tuổi cứ 3 – 6 tháng tiêm 1 ống 100.000đvqt
* Vitamin D: 
Vitamin nhóm D gồm D1, D2, D3, D4, D5, D6 nhưng thông dụng là D2 (ergo calciferol) và D3 (Chole calciferol)
- Dạng thuốc:
+ Viên bọc đường 500 đvqt
+ Viên nang 500 - 1000 đvqt
+ Dung dịch dầu 1ml có 10.000 đvqt
+ ống tiêm 1,5ml: 600.000 đvqt
- Nguồn gốc:
+ Tự nhiên: Vitamin D3 chiết xuất từ dầu gan cá
+ Tổng hợp: Vitamin D2
+ Trong da cơ thể có chất 7 – dehydro cholesterol. Dưới ánh sáng mặt trời chất này chuyển thành vitamin D3. Nếu được tiếp xúc đủ với ánh nắng thì lượng vitamin D tạo ra từ da cũng đủ nhu cầu.
- Tác dụng:
+ Giúp cho sự tái tạo xương do tăng quá trình hấp thu calci ở ruột, tăng tái hấp thu calci ở ống thận.
+ Làm ổn định mức calci máu.
Thiếu vitamin D làm giảm calci và phospho trong máu. Nồng độ calci trong máu giảm sẽ kích thích tuyến cận giáp trạng để huy động calci từ xương vào máu dẫn đến hậu quả còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn. Thiếu lâu ngày gây chứng cường tuyến giáp trạng (do tuyến này bị kích thích liên tục khi nồng độ calci trong máu thấp).
- Tác dụng không mong muốn: xảy ra khi thừa vitamin D: Dùng liều cao, dài ngày (trẻ em dùng trên 40.000đvqt/ ngày trong nhiều ngày) gây tích lũy vitamin D với triệu chứng: tăng calci máu, mệt mỏi, kém ăn, nôn, đi lỏng.
Nhu cầu: 0,15 – 2,5mg/ ngày (1mg= 40.000đvqt).
- Chỉ định:
+ Phòng và điều trị còi xương ở trẻ em
+ Chống co giật do suy tuyến cận giáp
+ Điều trị chứng loãng xương, gãy xương lâu liền ở người lớn.
- Chống chỉ định:
+ Lao phổi đang tiến triển
+ Bệnh gan, thận cấp
+ Tăng calci huyết
+ Xơ vữa động mạch
+ Mẫn cảm với vitamin D
- Liều dùng:
+ Phòng còi xương (dùng cho trẻ có nguy cơ thiếu vitamin D) uống 400 – 500 đvqt / ngày, vào bữa ăn.
+ Trị còi xương:
uống 10.000 – 20.000đvqt/ ngày chia 2 – 4 lần, uống 6 – 8 tuần.
+ Trị co giật do suy tuyến cận giáp trạng: uống hay tiêm bắp (dung dịch dầu) 50.000 – 200.000đvqt. ngày, tuần dùng 2 lần.
+ Điều trị chứng loãng xương: cứ  3 tháng tiêm 600.000đvqt.
* Ngoài ra còn vitamin K, vitamin E ( ỏ – tocopherol).
2. Thuốc chống thiếu máu:
2.1. Đại cương:
* Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố (hemoglobin) hoặc cả 2 dưới mức bình thường so với các hằng số về máu của người cùng lứa tuổi và cùng giới khoẻ mạnh. Đó là do sự rối loạn cân bằng giữa 2 quá trình sinh sản và huỷ hoại hồng cầu trong cơ thể.
* Phân loại thiếu máu: 3 loại
- Thiếu máu giảm sắc (nhược sắc) do cơ thể bị thiếu những yếu tố cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu như sắt.
- Thiếu máu đẳng sắc: do tiêu huyết (vì quá trình huỷ hoại hồng cầu).
- Thiếu máu ưu sắc (thiếu máu hồng cầu to) do thiếu acid folic, vitamin B12; 1 số acid amin.
* Nguyên nhân gây thiếu máu: 3 nguyên nhân chính
- Bị chảy máu ở cơ quan (sau chấn thương, phẫu thuật) hoặc mắc bệnh chảy máu kéo dài (trĩ, rong kinh, giun móc).
- Rối loạn cấu tạo hồng cầu (ngộ độc, tan huyết).
- Rối loạn các cơ quan tạo hồng cầu (tuỷ xương kém hoạt động, nguồn thức ăn cung cấp thiếu hoặc kém hấp thu được sắt, acid folic.
* Vai trò của sắt trong cơ thể
Sắt rất cần cho sự tạo hống cầu và chuyển hoá các chất trong cơ thể. Sắt có nhiều trong huyết cầu tố, các men của tổ chức và dự trữ 1 phần trong tuỷ xương, lách, gan. Nhu cầu bình thường hàng ngày về sắt là không lớn : 0,5 – 2mg, nhưng nếu cung cấp thiếu hoặc không hấp thu được sắt thì có thể dẫn đến thiếu máu nhược sắc.
2.2. Các thuốc chữa thiếu máu
2.2.1. Sắt (II) oxalat
* Dạng thuốc: Viên nén 50mg
* Tác dụng: Sắt (II) oxalat là yếu tố cần thiết tạo hồng cầu tham gia vào quá trình hô hấp của tế bào.
* Tác dụng không mong muốn:
Gây táo bón, buồn nôn, loét đường tiêu hoá
* Chỉ định: Bệnh thiếu máu nhược sắc (do thiếu sắt), mất máu sau phẫu thuật, phụ nữ sau khi sinh đẻ, nhiễm giun sán.
* Chống chỉ định:
Loét dạ dày – tá tràng, chứng khó tiêu, tạng dễ chảy máu.
* Liều dùng:
Người lớn ngày uống 2 viên chia 2 lần, nuốt không nhai, nuốt nhiều nước (để chống táo bón và loét đường tiêu hoá).
Trẻ em: 1 – 2 mg/ kg thể trọng/ ngày.
2.2.2. Acid folic
* Tên khác: Vitamin B9; Vitamin L1; Biệt dược: Folvite, foldine.
* Dạng thuốc: Viên nén : 0,4; 0,8; 1; 5mg
* Nguồn gốc: Có trong men bia, nấm ăn được, gan, thận hoặc tổng hợp.
* Tác dụng: Tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá, nhất là sự tổng hợp acid nucleic ở nguyên hồng cầu và amino acid.
* Chỉ định: Chứng thiếu máu nguyên hồng cầu to (ở phụ nữ có thai) và sau khi sinh con; ở người hấp thu kém… bổ sung acid folic cho người dùng methotrexat), giảm bạch cầu, chứng mất bạch cầu hạt.
* Tác dụng không mong muốn:
Nhìn chung hiếm gặp ADR: Ngứa, nổi ban, mày đay, rối loạn tiêu hoá
* Liều dùng:
- Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi: 5mg/ ngày
- Trẻ em dưới 1 tuổi: 0,5mg/ ngày.
* Chống chỉ định: Không được dùng acid folic riêng biệt hay dùng phối hợp với vitamin B12 cho các trường hợp thiếu máu ác tính.
2.2.3. Vitamin B12: Đã trình bày ở phần vitamin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More